Đơn vị xây dựng: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Năm phát hành: 2013.
Định dạng: PDF.
Download.
Mô tả báo cáo:
Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và được Bộ Công Thương chỉ đạo, năm 2013 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử (gọi tắt là EBI) . Chỉ số Thương mại điện tử giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá được một cách định lượng tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như tại mỗi địa phương trong từng năm và cũng như dễ dàng so sánh sự phát triển qua các năm.
EBI 2013 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát hơn ba nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Kết quả cho thấy năm 2013, thương mại điện tử tiếp tục phát triển vững chắc, đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta.
Năm 2013 chứng kiến sự tiến bộ đáng kể của các loại hình giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Mức độ và hiệu quả sử dụng email của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng email để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.
Đồng thời, có tới 43% doanh nghiệp đã có website và 35% doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng qua website, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã sử dụng website một cách hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp đã chú ý hơn tới hoạt động quảng bá cho website và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau cho hoạt động này. Công cụ tìm kiếm tiếp tục là phương tiện được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất (43%), báo điện tử đứng thứ hai (40%). Các mạng xã hội được sử dụng ở mức cao để quảng bá website và tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng phương tiện này (37%) đã tiệm cận với tỷ lệ quảng bá trên các báo điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa sử dụng bất cứ hình thức nào để quảng bá cho website của mình vẫn chiếm tới 15%, bằng với tỷ lệ của năm 2012. Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử của năm 2013 là 12% và có tới 33% doanh nghiệp cho rằng tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao.
Việc cung cấp trực tuyến thông tin và dịch vụ công của các cơ quan nhà nước (G2B) là một thành phần quan trọng của thương mại điện tử. Năm 2013 có 31% doanh nghiệp cho biết thường xuyên truy cập website của các cơ quan nhà nước, 56% doanh nghiệp thỉnh thoảng mới truy cập và 13% doanh nghiệp chưa bao giờ truy cập các website này. Các tỷ lệ này cho thấy tình hình truy cập website của các cơ quan nhà nước để thu thập thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự khác biệt lớn so với năm 2012. Trong khi đó, năm 2013 có khoảng 48% doanh nghiệp đã sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tăng hơn một chút so với năm 2012. Có 25% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ công trực tuyến rất có ích cho hoạt động kinh doanh của mình. Tỷ lệ này cùng với tỷ lệ 58% doanh nghiệp cho biết dịch vụ công trực tuyến tương đối có ích phản ảnh dịch vụ công trực tuyến đã thực sự hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ, EBI 2013 cho thấy có sự phát triển rõ rệt về nguồn nhân lực với việc nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử và cử cán bộ phụ trách để khai thác được tốt hơn lợi thế của phương thức kinh doanh trực tuyến này.
Căn cứ vào bốn tiêu chí trên, nhóm năm địa phương dẫn đầu về EBI năm nay là Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai không thay đổi so với năm 2012. Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng thứ nhất với 68,4 điểm, tăng 3,9 điểm so với năm trước. Hà Nội xếp thứ hai với 67,9 điểm và chỉ khác biệt so với thành phố đứng đầu có 0,5 điểm. Điểm của một số tỉnh hầu như không thay đổi so với năm 2012 như Kiên Giang, Cà Mau hay Bình Phước.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trân trọng cảm ơn tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã giúp đỡ xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử 2013. Nhiều Sở Công Thương đã nhiệt tình giúp đỡ Hiệp hội. Trên ba nghìn doanh nghiệp ở hầu hết các tỉnh đã tích cực tham gia và trả lời phiếu điều tra.
Hiệp hội cũng xin cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các nhà tài trợ Google, Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, các công ty NetNam, Alibaba, SmartLink, CheckIn. Những nhà tài trợ này đồng thời cũng là những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử và tích cực tham gia nhiều hoạt động do VECOM tổ chức.
Sự phát triển của thương mại điện tử không thể tách rời các hoạt động phổ biến, tuyên truyền. Hiệp hội xin gửi lời cám ơn tới các đơn vị truyền thông đã quan tâm và tích cực phổ biến các hoạt động của Hiệp hội trong suốt năm 2013, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới việc phổ biến chỉ số thương mại điện tử nói chung cũng như tham dự và đưa tin về Lễ Công bố này.