Đánh giá Sự sẵn sàng về thương mại điện tử
Cập nhật ngày : 5/16/2012 1:48:36 AM

Trung tâm Phát triển quốc tế thuộc Đại học Havard đã xây dựng một khung đánh giá sự sẵn sàng về thương mại điện tử nhằm tạo ra một công cụ giúp các nước đang phát triển có thể đánh giá được mức độ sẵn sàng về thương mại điện tử, những qua đó gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử. Khung này nằm trong khung tổng thể các lĩnh vực kinh tế xã hội, đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông của các nước đang phát triển.

Trung tâm này cho rằng thương mại điện tử và các ứng dụng liên quan tới ICT đã trở thành một động lực mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, đồng thời đang làm thay đổi thế giới. Cho tới nay các nước phát triển là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi đó. Trung tâm cho rằng các nước đang phát triển cũng có thể thu được lợi ích to lớn từ sự thay đổi này nếu biết sử dụng một cách phù hợp ICT. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển còn phân vân về việc họ có thể tham gia vào những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra này như thế nào. ICT có thể giúp đỡ các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn như thế nào. Họ đã sẵn sàng như thế nào cho một thế giới được kết nối mạng.
Dựa trên bộ chỉ số Sự sẵn sàng về Thương mại điện tử toàn cầu, Trung tâm đã xây dựng một phương pháp tiếp cận hệ thống nhưng linh hoạt để đánh giá về sự sẵn sàng về ICT trong năm lĩnh vực, bao gồm thương mại điện tử. Phương pháp này là một công cụ hữu ích tạo ra bước đầu tiên trong việc tiếp cận chiến lược để xây dựng chính sách và kế hoạch cho các nước đang phát triển. Trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển một cách mau lẹ, phương pháp này là một khung mở để mỗi nước có thể sử dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào thực tiễn riêng của mình.
Phương pháp đánh giá của Trung tâm sẽ có ích cho các nhà kinh doanh, hoạch định chính sách cũng như nhiều đối tượng khác để khai phá những tiềm năng to lớn của ICT.
Phương pháp đánh giá sự sẵn sàng về thương mại điện tử:
Theo quan điểm của Trung tâm Phát triển quốc tế thuộc Đại học Havard, các doanh nghiệp và chính phủ có thể khai thác một cách hiệu quả ICT nhận thấy có nhiều con đường hữu ích và tinh tế để quản lý các mối quan hệ bên ngoài tổ chức. Việc sử dụng ngày càng tăng ICT giúp tạo ra rất nhiều giao dịch thương mại điện tử. Việc đánh giá sự sẵn sàng về thương mại điện tử dựa trên bốn nhóm tiêu chí sau:
 * Nhóm 1: Cơ hội việc làm cho lao động có kỹ năng về ICT
Một thị trường việc làm năng động cho các lao động có kỹ năng về ICT sẽ thúc đẩy sự ứng dụng ICT, các chương trình đào tạo cũng như sự sử dụng tổng thể của ICT trong nền kinh tế. Việc giữ chân các lao động kỹ thuật trở thành một lợi thế cạnh tranh trong địa bàn.
 * Nhóm 2: Giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C)
Các kênh bán lẻ trực tuyến làm tăng sự lựa chọn và tiếp cận tới sản phẩm của người tiêu dùng. Chúng cũng cho phép các doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng thị trường và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
 * Nhóm 3: Giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B)
Hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp giảm mạnh chi phí trao đổi thông tin và giao kết hợp đồng, giảm lượng hàng lưu kho, giảm các chi phí và thời gian liên quan tới chứng từ và thanh toán, v.v… Hơn thế nữa, khi tham gia thương mại điện tử các doanh nghiệp có thể khám phá các mô hình kinh doanh mới với thị trường liên tục được tái cầu trúc.
 * Nhóm 4: Chính phủ điện tử
Các chính phủ có thể khai thác lợi thế của ICT để tăng cường sự liên kết trong hệ thống, cung cấp thông tin trực tuyến và cung cấp dịch vụ một cách tương tác với công chúng. Các chính phủ cũng có thể là một tấm gương và trở thành một chất xúc tác cho nền kinh tế được kết nối mạng thông qua việc đầu tư vào ICT cho việc sử dụng trong nội bộ hệ thống, nâng cao hiệu quả điều hành và tạo ra thị trường địa phương về sản phẩm và dịch vụ ICT. Hoạt động mua sắm chính phủ sẽ trở nên minh bạch và hiệu quả hơn khi đưa lên mạng.

Hoạt động Chỉ số TMĐT
ĐƠN VỊ THỰC HIỆN
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

ĐƠN VỊ CHỈ ĐẠO
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số



ĐỐI TÁC TRUYỀN THÔNG
vdc vdc vtc vdc ven vdc vdc vdc