Năm 2013 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên càng về cuối năm càng có dấu hiệu tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý sau tăng hơn quý trước, từ mức 4,8% trong quý I lên 6,0% trong quý IV và khu vực dịch vụ có đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng.
Trong khó khăn chung, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển vững chắc với sáu xu hướng nổi bật. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), một số xu hướng này có thể tiếp tục là những xu hướng chủ đạo của thương mại điện tử nước ta trong năm 2014.
Nguồn nhân lực về thương mại điện tử phát triển mạnh
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2013 của VECOM, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử tại các doanh nghiệp đã tăng đáng kể. Đã có 65% doanh nghiệp phân công nhân sự phụ trách lĩnh vực này, cao hơn hẳn tỷ lệ 51% của năm 2012. Những lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ lao động chuyên trách về thương mại điện tử cao nhất là giải trí (80%), tài chính và bất động sản (80%) và giáo dục đào tạo (79%). Tỷ lệ lao động sử dụng email trong công việc tiếp tục tăng nhanh. Năm 2013 có 27% doanh nghiệp cho biết có từ 21% tới 50% nhân viên thường xuyên sử dụng email trong công việc, tỷ lệ này năm 2012 là 16%.
Lĩnh vực đào tạo chính quy thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng tiếp tục phát triển. Tới năm 2013 có gần 80 trường đại học và cao đẳng trên cả nước đã triển khai hoạt động đào tạo thương mại điện tử, trong đó có 47 trường đào tạo TMĐT cho bậc đại học và 8 trường đào tạo TMĐT cho bậc sau đại học. Hai trường đại học lớn đã đào tạo cử nhân ngành thương mại điện tử. Các chương trình giảng dạy vừa tham khảo các tài liệu tiên tiến của nước ngoài, vừa bám sát thực tiễn thương mại điện tử trong nước.
Bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch trực tuyến được chú trọng
Năm 2013 đánh dấu sự quan tâm cao đối với vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2013 đã có khoảng một nửa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, lo ngại bị lộ thông tin cá nhân khi mua sắm trực tuyến vẫn là một mối lo lớn của người tiêu dùng. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, năm 2013 có tới 31% khách hàng e ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ khi mua sắm trực tuyến.
Đánh giá cao tác động to lớn của việc bảo vệ thông tin cá nhân đối với sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam, năm 2013 Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã triển khai Chương trình gắn nhãn tín nhiệm cho các website thương mại điện tử với tên gọi Safeweb. Mục tiêu cơ bản của chương trình là giúp khách hàng dễ dàng hơn khi chọn lựa các website bán hàng có uy tín trong việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời, các website thương mại điện tử muốn được gắn nhãn tín nhiệm Safeweb phải có cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng. Trong trường hợp khách hàng không chấp nhận việc xử lý của đơn vị quản lý website, họ có thể nhờ đơn vị triển khai Safeweb làm trọng tài.
Dịch vụ chuyển phát nổi lên như một trở ngại lớn cho mua sắm trực tuyến
Nếu như những năm trước môi trường pháp lý, hạ tầng viễn thông hay nguồn nhân lực được coi là những cản trở lớn nhất cho thương mại điện tử thì năm 2013 dịch vụ chuyển phát lại được coi là một trở ngại lớn. Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT thì có tới 38% người tiêu dùng cho rằng một trong những trở ngại lớn khi mua sắm trực tuyến là chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao. Do đó, nhiều khi mua hàng trực tuyến giá cao hơn mua theo phương thức truyền thống, đồng thời việc trả lại hàng và các dịch vụ liên quan khác còn phiền phức.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2012 cả nước có 79 doanh nghiệp được cấp phép bưu chính, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính với doanh thu 273,7 triệu USD. Trong đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) là doanh nghiệp lớn nhất với 37% thị phần.
Với nhu cầu chuyên nghiệp hóa và phục vụ khách hàng tốt hơn, các doanh nghiệp TMĐT mong muốn được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp chuyển phát có độ phủ lớn, chất lượng dịch vụ cao với chi phí hợp lý. Đồng thời, trong bối cảnh tiền mặt còn là phương tiện thanh toán phổ biến, nhất là ở nông thôn, các doanh nghiệp TMĐT cũng hy vọng các doanh nghiệp chuyển phát sẽ cung cấp cho họ dịch vụ phát hàng thu tiền hộ (COD) một cách hiệu quả.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đưa ra ý tưởng năm 2014 tổ chức một ngày quảng bá cho thương mại điện tử với những ưu đãi đặc biệt cho chi phí chuyển phát và có thể đặt tên cho ngày này là “Ngày chuyển phát cho mua sắm trực tuyến”. Ý tưởng này đã được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cũng như nhiều doanh nghiệp hưởng ứng.
Kinh doanh trên mạng xã hội phát triển
Theo thống kê của Socialbakers, cuối năm 2013 Việt Nam đứng trong nhóm 15 nước dẫn đầu trên thế giới về số lượng truy cập Facebook và theo Trung tâm Internet Việt Nam chỉ riêng tháng 9 năm 2013 số lượt truy vấn vào Facebook là 23 triệu, Twitter là 8,4 triệu, Youtube là 7,4 triệu. Cũng trong tháng này số lượt truy vấn vào mạng xã hội lớn nhất trong nước ZingMe đạt xấp xỉ 8 triệu. Tháng 10 năm 2012 lần đầu tiên Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất Việt Nam với số thành viên là 8,5 triệu so với 8,2 triệu của ZingMe. Chưa đầy một năm sau, vào tháng 8 năm 2013, Việt Nam có 19,6 triệu người dùng Facebook, chiếm 21,4% dân số và chiếm tới 71,4% người sử dụng Internet. Theo comScore, năm 2013 tại Việt Nam có tới 82% người truy cập websites ghé thăm ít nhất một trang mạng xã hội, thời gian trực tuyến dành cho mạng xã hội cao hơn nhiều so với thời gian dành cho các lĩnh vực khác.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2013, có tới 43% doanh nghiệp đã xây dựng website và hiệu quả kinh doanh trên các website cao hơn các năm trước. Một trong các nguyên nhân mang lại hiệu quả tích cực này là các doanh nghiệp đã quan tâm tới hoạt động quảng bá website của mình. Ngoài hai phương tiện được sử dụng nhiều nhất là các công cụ tìm kiếm và báo điện tử, có tới 37% doanh nghiệp đã tiến hành quảng bá website của mình trên các trang mạng xã hội. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân bán lẻ cũng đang tận dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, quảng bá thương hiệu và tăng doanh thu một cách hiệu quả.
Thương mại di động chiếm thị phần ngày càng tăng
Trong khi tỷ lệ người Việt Nam có điện thoại di động đã tương đối ổn định ở mức khá cao thì tỷ lệ người có điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tăng tương đối nhanh. Theo số liệu của Nielsen, đa số người Việt Nam mua điện thoại tại các siêu thị điện máy và thích dịch vụ trả trước hơn dịch vụ trả sau. Gần 80% người xem video di động bằng các ứng dụng và có xu hướng nghe nhạc trực tuyến hơn mua nhạc ở cửa hàng. Trong khi một trong hai người không bao giờ quan tâm đến quảng cáo trên điện thoại di động thì phần lớn người Việt Nam có xu hướng ưa thích sử dụng điện thoại di động để tham khảo thông tin khi mua sắm, tìm khuyến mại và bình luận trực tuyến về sản phẩm và người bán.
Mặc dù tỷ lệ truy cập Internet từ các thiết bị di động ngày càng tăng nhưng một cuộc khảo sát trong nước cho thấy còn một số nguyên nhân cản trở sự phát triển của thương mại di động. Những nguyên nhân chính bao gồm cước phí cao, các dịch vụ hấp dẫn chưa nhiều, an toàn thông tin cá nhân chưa đảm bảo hoặc lo sợ bị lừa đảo. Đáng chú ý là có một tỷ lệ đáng kể người sử dụng không thích truy cập Internet qua điện thoại di động.
Năm 2013 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông OTT (Over-the-top content), đặc biệt trên các thiết bị di động có khả năng truy cập Internet. Thông qua OTT, hàng triệu người dùng điện thoại di động và máy tính bảng đã sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí. Bên cạnh các nhà cung cấp nước ngoài như Viber hay LINE, các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước đã chiếm thị phần đáng kể.
Vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử được tăng cường
Trong năm 2013 môi trường pháp lý liên quan tới thương mại điện tử tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Liên tiếp nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thương mại điện tử đã được ban hành. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định cụ thể các hành vi bị cấm, các hoạt động cần thông báo hay đăng ký với Bộ Công Thương. Nghị định này cùng với Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mức phạt lên tới 100 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm đã xác lập cơ sở pháp lý thỏa đáng để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng góp phần tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm các hoạt động liên quan tới các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo có những quy định chặt chẽ liên quan tới quảng cáo trên các trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cùng với các cơ quan Trung ương, một số địa phương đã quan tâm hơn tới việc ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy việc thực thi pháp luật liên quan tới thương mại điện tử. Thành phố Hà Nội là một trong các địa phương điển hình trong hoạt động này. Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) đứng thứ nhì trên cả nước. Đầu năm 2013 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử”, cuối năm đã dự thảo Quyết định “Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố”. Dự kiến quyết định này sẽ được ban hành vào đầu năm 2014.
Nhóm các tỉnh dẫn đầu EBI 2013
Những văn bản trên đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, do công nghệ phát triển quá nhanh, hoạt động thương mại điện tử diễn ra phức tạp và liên tục xuất hiện những hình thức kinh doanh mới nên một số quy định có thể chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh trực tuyến. Chẳng hạn, kinh doanh trên các mạng xã hội là một xu hướng tích cực và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, để hình thức kinh doanh này phát triển lành mạnh cần rà soát hệ thống pháp luật để có những sửa đổi, bổ sung phù hợp. Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam và mang lại lợi ích lớn cho người sử dụng. Tuy nhiên, cần có chính sách hợp lý để phát triển dịch vụ này, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Quảng cáo trực tuyến, bao gồm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử nước ngoài, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa có hiệu quả kinh doanh cao. Việc quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến cần phù hợp với thực tiễn là trong hầu hết các trường hợp, hiệu quả cao nhất chỉ đạt được khi doanh nghiệp, cá nhân phải trực tiếp triển khai chiến dịch quảng cáo của mình mà không có sự tham gia của bên thứ ba.
Thực hiện chức năng phản biện chính sách và pháp luật liên quan tới thương mại điện tử, năm 2014 VECOM sẽ tiếp thu ý kiến của các hội viên cũng như của mọi tổ chức, cá nhân liên quan và phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm góp phần xây dựng môi trường pháp lý phù hợp hơn cho sự phát triển của thương mại điện tử.
VECOM